• TRƯỜNG CAO ĐẲNG BÌNH PHƯỚC
  • BINH PHUOC COLLEGE
  • 899, QL 14, Phường Tân Bình, TP Đồng Xoài, Bình Phước
  • info@cdbp.edu.vn
  • 02713 881 093

Cô sinh viên Stiêng đẹp người, đẹp nết

Thứ ba - 23/11/2021 21:02
Những ngày này, bà con thôn 4, xã Đắc Ơ, vẫn thường nhắc tới em Điểu Thị Duyên, sinh viên năm 2, khóa 4, khoa Y dược, trường CĐ Bình Phước với tình cảm đầy trìu mến.
image002
image002
 Tham gia tuyến đầu phòng chống dịch
Khi tiết trời Bình Phước bắt đầu dịu mát, nhưng những cơn mưa đầu mùa không đủ xoa dịu sức nóng của tin tức về dịch bệnh. Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương rồi đến Đồng Nai, Long An số ca mắc cứ tăng dần theo từng ngày, làm ai cũng nơm nớp lo sợ, hoang mang. Đi đâu cũng nói về dịch bệnh, về những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Là sinh viên Y khoa, Duyên hiểu được phần nào mức độ nguy hiểm của Covid - 19. Xem tin tức mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông, cô sinh viên Stiêng đã ghi tên xung phong tham gia phòng chống dịch. Biết con quyết tâm lên đường, ba mẹ Duyên vô cùng lo lắng: “Con học chưa hết chương trình ở trường, biết có giúp gì được cho bà con hay không, nhỡ lại mang bệnh về cho gia đình, cho thôn thì khổ.” Ông Điểu Keng, ba của Duyên chia sẻ. Thế rồi, Duyên cũng động viên được ba mẹ yên tâm để em tham gia chống dịch.
Những ngày đầu của đội công tác, tổ trực chốt của Duyên chỉ có 5 người. Trong đó có 3 bác sĩ đồng thời là giảng viên khoa Y dược. Chốt nằm trên Quốc lộ 13, huyện Chơn Thành - ai tới đây cũng bàn tán về dịch Covid – 19. Những khuôn mặt đi qua chốt trạm, chỉ toàn nỗi lo canh cánh. Ban ngày, trời nắng như đổ lửa, chiếc áo vừa thay ra đã ướt đầm mồ hôi. Chiều xuống, trời mưa mỗi lúc một nặng hạt. Những cơn mưa đầu mùa mang theo gió bụi, mùi đất hăng nồng tạt liên hồi vào lán trại của thầy trò Duyên. Quần áo lấm lem, ướt sũng, mồ hôi hòa vào nước mưa lan vào khóe môi đến mặn chát. Những bữa cơm rất vội vì ngoài kia, người nối người không ngớt chờ đợi đội công tác của em thực hiện nhiệm vụ. Một ngày với biết bao công việc: Giúp bà con kê khai y tế, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn bà con cách phòng chống dịch…Vậy mà trạm chốt luôn đầy ắp tiếng cười. Những khó khăn, vất vả chồng chất chỉ phút chốc tan biến. Cả đội tình nguyện luôn được sự động viên của chính quyền, bà con địa phương. Mỗi ngày, tổ trực được nhận những xuất cơm thiện nguyện ấm áp tình người. Duyên tâm sự: “Em thấy vui khi góp được chút công sức cho cộng đồng trong lúc cả nước đang khó khăn vị dịch bệnh. Có những đêm trực đến sáng, chúng em cũng thấy mệt, nhưng nghĩ vì sức khoẻ mọi người, em lại tự hào với công việc ở chốt”. Biết rằng cuộc chiến chống dịch còn nhiều gian nan, em vẫn luôn động viên bà con hãy vững tin vào chính quyền, vào ngành y tế của tỉnh nhà, mọi người chấp hành tốt các chỉ thị của các cấp lãnh đạo thì chắc chắn sẽ vượt qua trận đại dịch này! Những lời động viên, chia sẻ của cô gái Stiêng đã phần nào làm an tâm bà con mỗi lần qua đây. Chuyến công tác kết thúc. Sau khi cách ly y tế 14 ngày, Duyên tạm chia tay thầy cô và cô bạn Tường Vy quay về với gia đình. Tất cả đều không quên những ngày chống dịch, hẹn luôn sẵn sàng khi tuyến đầu kêu gọi.
Giúp trẻ em nghèo
Đã hơn hai tháng kể từ khi Bình Phước có ca F0 đầu tiên, Đắc Ơ là một trong những xã được nới lỏng phong tỏa theo chỉ thị 15 của chính phủ. Cô sinh viên có nước da trắng ngần lại xắn áo, đội nón cùng ba mẹ phụ làm vườn. Nhà Duyên có 4 chị em, hai chị lớn đã lập gia đình, chỉ còn Duyên và em trai ở với ba mẹ. Do đó, Duyên như chị cả gánh vác mọi công việc. Ba mẹ cũng đã lớn tuổi, sức khỏe giảm nhiều. Sợ cả hai vất vả, cô luôn tranh thủ thời gian nghỉ học chăm sóc, đỡ đần việc nhà, việc vườn giúp ba mẹ. Khi hỏi về Duyên, bà Thị Bơ Hét, mẹ em cho biết: “Ngay từ nhỏ. Duyên đã chăm chỉ siêng năng. Biết con đi học cực khổ, ba mẹ cũng không muốn con phải làm nhiều, nhưng con bé cứ giành việc để làm. Bà con, láng giềng ai cũng yêu quý con bé.” Tranh thủ được nghỉ dài ngày, Duyên lại tổ chức dạy kèm cho các trẻ trong thôn. Đa số các em đều là dân tộc Stiêng nên vốn tiếng Việt ít ỏi. Học ở lớp tiếp thu bài không kịp, về nhà, các em lại được chị Duyên dạy thêm. Phạm Thùy Linh, cô bạn học cùng cấp ba với Duyên tâm sự: “ Em với Duyên vẫn thường xuyên chỉ bài cho các em nhỏ, nhất là các em theo học tiểu học. Trong đợt dịch này, phần lớn các em học trực tuyến nên gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi tuần 3 buổi, tụi em lại tổ chức chỉ bài cho các em.” Cứ thế mà tình cảm của Duyên và đồng bào ở đây thêm gắn bó. Ông Điểu Lâm, trưởng thôn 4, khen: “70% dân số của thôn là người dân tộc thiểu số. Trong đó, Duyên là trường hợp rất đặc biệt: Không chỉ phấn đấu học tập mà còn biết giúp đỡ mọi người, sống ngoan hiền, lễ phép. Duyên đang theo đuổi đam mê, trở thành dược sĩ giúp đời, giúp bà con thôn xóm.  Đây là điều đáng quý cho gia đình và cho địa phương”. Ông Nguyễn Minh Hóa, chủ tịch xã khẳng định: “Địa bàn xã Đắc Ơ hiện nay có khoảng 38% là đồng bào dân tộc. Duyên là một trong số ít con em dân tộc Stiêng theo học chuyên nghiệp. Em thực sự đóng góp rất lớn trong phong trào khuyến học của xã nhà. Tôi rất mong sau khi ra trường, em sẽ cống hiến công sức của mình cho địa phương, cho xã hội”.
image004
Điểu Thị Duyên đang chỉ bài cho các em nhỏ trong thôn
Cô học trò được bạn mến, thầy khen
Do vẫn còn giãn cách vì dịch bệnh nên hôm nay, lớp học trực tuyến của Duyên sinh hoạt cuối tuần bằng hình thức online. Giờ đây, các thành viên lại có dịp trao đổi, chia sẻ đủ chuyện sau một tuần học tập căng thẳng. Tiếng cười nói rộn ràng. Thật vinh dự khi tuần thứ hai liên tiếp, cô sinh viên Stiêng lại được xướng tên trong buổi sinh hoạt vì tinh thần học tập và lòng nhân ái với bạn bè. Nói về Duyên, các bạn đều khen: “Bạn ấy luôn hòa đồng, vui vẻ với mọi người, thường xuyên tham gia vào các công việc đoàn thể, tích cực hỗ trợ chống dịch cùng các thầy cô trong trường, luôn giúp đỡ những bạn gặp khó khăn trong lớp”. Chia sẻ thêm về Kì Duyên, thạc sĩ Nguyễn Bích Liên, Phó hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn trường nhận xét: “Những năm qua, ngoài việc đảm bảo chất lượng dạy và học cho đội ngũ giáo viên và sinh viên, nhà trường còn đặc biệt quan tâm tới các em có hoàn cảnh khó khăn và các em dân tộc thiểu số. Chính tinh thần học tập và những việc làm thiện nguyện của em Điểu Thị Duyên đã có sức lan tỏa rất lớn trong sinh viên, nhất là đối với các em vùng dân tộc đang theo học tại trường. Hi vọng câu chuyện của em sẽ tiếp lửa cho các thế hệ sinh viên trau dồi kiến thức và ghi thêm nhiều thành tích trong Kỉ yếu của nhà trường”.
image006
Điểu Thị Duyên (ngoài cùng từ phải qua) cùng các bạn tham gia công tác chống dịch
Hôm nay, những cơn mưa đã nhẹ hạt trên mảnh đất đỏ của đồng bào Stiêng. Đắc Ơ đã trở thành “vùng xanh”. Hết giãn cách, bà con lại hối hả ra vườn, mong sao năm tới có một vụ điều bội thu để bù đắp những ngày thôn xóm bị dich bệnh hoành hành. Duyên cùng ba mẹ ra vườn làm việc chăm chỉ. Trên khuôn mặt em không giấu niềm hi vọng: “Đại dịch sẽ chóng qua, chúng em lại được tới trường và tiếp tục làm những công việc ý nghĩa cho cộng đồng. Rất mau thôi em sẽ trở thành dược sĩ để hỗ trợ sức khoẻ cho bà con và gia đình. Em yêu mảnh đất này và mong sớm có ngày được trở về phục vụ quê hương”. Một ước mơ giản dị nhưng thật đáng quý. Chúc em sẽ hoàn thành tâm nguyện và thắp sáng ước mơ cho các thế hệ con em dân tộc Stiêng trên vùng đất đỏ thân yêu này.
Mai Oanh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây