• TRƯỜNG CAO ĐẲNG BÌNH PHƯỚC
  • BINH PHUOC COLLEGE
  • 899, QL 14, Phường Tân Bình, TP Đồng Xoài, Bình Phước
  • info@cdbp.edu.vn
  • 02713 881 093

Chuyến đi về nguồn - thăm Trường Dục Thanh - của Công đoàn Trường Cao đẳng Bình Phước

Chủ nhật - 30/07/2023 19:12
Trong hành trình chuyến đi về nguồn của Công đoàn Trường Cao đẳng Bình Phước, Đoàn đã đến tham quan Trường Dục Thanh - nơi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ở và dạy học trong năm 1910 trước lúc Người vào Sài Gòn để ra đi tìm đường cứu nước và Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Bình Thuận.
Dục Thanh 1
Dục Thanh 1
Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1907 trên phần đất gia đình cụ Nguyễn Thông, một nhà thơ yêu nước thời bấy giờ ở làng Thành Đức (nay số 39 Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, Tp. Phan Thiết, Bình Thuận). Đây là ngôi trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ ở tỉnh Bình Thuận lúc bấy giờ do hai người con trai của cụ Nguyễn Thông là Nguyễn Quý Anh và Nguyễn Trọng Lội sáng lập nhằm truyền bá tư tưởng của phong trào Duy Tân được cụ Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng ở Trung Kỳ.
DT2
Tại đây, Đoàn đã thắp nén hương để tưởng nhớ về công lao của Người.
DT4
Thầy giáo Nguyễn Tất Thành đến ngôi trường Dục Thanh cuối tháng 8, đầu tháng 9/1910. Đây là một trong những điểm dừng chân sau khi Nguyễn Tất Thành rời Trường Quốc học Huế vào Bình Định, Phan Rang, rồi vào xứ Duồng (nay là xã Chí Công, huyện Tuy Phong, Bình Thuận). Trường Dục Thanh khi thầy giáo Nguyễn Tất Thành đến dạy học có khoảng sáu mươi học sinh các lớp tư, ba, nhì, nhất và bảy thầy giáo giảng dạy các môn: Hán văn, Pháp văn, Quốc văn… Nguyễn Tất Thành là thầy giáo trẻ nhất (20 tuổi), dạy lớp nhì, chủ yếu là dạy chữ Quốc ngữ và Hán văn... Đặc biệt, ngoài những nội dung được phân công giảng dạy, thầy giáo Nguyễn Tất Thành còn truyền bá cho học sinh lòng yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên qua việc dẫn các em đi thăm những cảnh đẹp ở Phan Thiết như: bãi biển Thương Chánh, động làng Thiềng, đình làng Đức Nghĩa…
Tháng 2/1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã rời trường Dục Thanh vào Sài Gòn rồi sau đó Người từ Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Trường Dục Thanh sau khi ông Nguyễn Trọng Lội qua đời, ông Nguyễn Quý Anh chuyển vào Sài Gòn, không còn ai phụ trách và vì nhiều lý do khách quan khác nên đóng cửa vào năm 1912. Đến năm 1978 - 1980, Trường Dục Thanh đã được trùng tu, tôn tạo lại nguyên gốc như trước.
DT5
Ngày nay, trường Dục Thanh đã được tỉnh Bình Thuận gìn giữ như một di tích lịch sử và trở thành biểu tượng trong ngành giáo dục, cổ vũ và động viên thế hệ trẻ phát huy và đóng góp trí lực vào công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.
Chúng tôi cảm thấy thật ấm áp khi bước vào lớp học nơi ngôi Trường Dục Thanh Bác Hồ dừng chân dạy học năm xưa. Lớp học với mái ngói rêu phong được bao bọc bởi bốn bức tường gỗ giản dị. Phía dưới phòng học là hai mốt bộ bàn ghế của học sinh được bố trí thành ba dãy ngăn nắp. Phía trên lớp học là hai cái bảng đen và bộ bàn ghế của giáo viên, nơi Bác ngồi giảng bài… Phía bên phải gian nhà chính làm phòng học của học sinh Trường Dục Thanh là Nhà Ngư (là nơi để các ngư cụ của gia đình cụ Nguyễn Thông, xây dựng năm 1906) và từ năm 1908 trở đi dùng làm nơi nội trú của thầy giáo và học sinh Trường Dục Thanh. Phía sau phòng học và Nhà Ngư là Ngọa Du Sào, là nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành đọc sách báo, soạn bài khi dạy học ở Trường Dục Thanh.
Đến với khu di tích Trường Dục Thanh, chúng tôi thật cảm động như được gặp Bác, nghe tiếng Bác dạy học ở nơi này khi ngắm nhìn những hiện vật gắn với thời gian lịch sử mà Người dạy học tại Trường Dục Thanh được lưu giữ lại như: bộ trường kỷ Bác ngồi, bộ ván gỗ Bác ngủ mỗi đêm, chiếc án thư, chiếc tủ đứng Bác Hồ để tư trang cá nhân, tráp văn thư, nghiên mài mực, ba cái ly nhỏ, một cái khay. Trong khuôn viên khu di tích Trường Dục Thanh,  còn có cái giếng nước mát lịm được xây bằng gạch ở phía sau Ngoạ Du Sào và vườn cây xanh tươi hoa lá... Trong vườn cây này, có cây khế gia đình cụ Nguyễn Thông trồng cách đây hơn một trăm năm. Trong thời gian dạy học ở Trường Dục Thanh, thầy giáo Nguyễn Tất Thành thường tưới nước chăm sóc cây khế này, nên người dân nơi đây gọi là Cây khế Dục Thanh, Cây khế Bác Hồ… như là sự biết ơn trân trọng với Người và ngôi trường lịch sử này. Cây khế này có hương vị đặc biệt: “Chua nơi đầu lưỡi, nhưng ngọt tận đáy lòng”.
DT6
Bên cạnh khu Di tích Dục Thanh đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1986, là Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Bình Thuận (khánh thành năm 1986). Khu bảo tàng này hiện trưng bày trên 890 tài liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Những năm qua, khu di tích Trường Dục Thanh và Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Bình Thuận đã đón hàng ngàn học sinh, người dân và du khách đến thăm và tưởng niệm Người.

Tác giả: Tuyết Ngoan

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

tu sach phap luat 1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây